Cuộc thi “Khởi nghiệp” – Làm thế nào để ý tưởng phát triển thành doanh nghiệp thực sự?

Cuộc thi Khởi nghiệp 2016 vừa đi vào Chung kết ngày 27/12, trong đó những Dự án nông nghiệp chiếm ưu thế, chiếm 4/6 dựa án lọt vào vòng thi cuối cùng. Việc có nhiều bạn trẻ chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, làm thế nào để ý tưởng kinh doanh trở thành doanh nghiệp hoạt động thực sự là cả một câu chuyện dài…

khoi nghiep (5)

Một cuộc thi có sức hấp dẫn mạnh mẽ…

Triển khai từ năm 2013, tới năm 2016, Chương trình Khởi nghiệp ghi dấu ấn khi đã đến được với nhiều tỉnh, thành, nhiều vùng sâu, vùng xa thông qua các trường đại học (ĐH) đóng trên địa bàn.

Đặc biệt, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khi tiếp cận với Chương trình Khởi nghiệp đã có những thay đổi về nhận thức kinh doanh cũng như định hướng giúp cho thanh niên – sinh viên vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Cụ thể như Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái đến các tỉnh đồng bằng như Bắc Giang, Thái Bình, Bến Tre, hay các thành phố Hà Nội, Đồng Nai, TP HCM…

Bên cạnh các tỉnh, thành, nhiều trường đã nhận thấy sự thiết thực và bổ ích của chương trình, thành lập các CLB Khởi nghiệp để thu hút số lượng đông đảo các bạn sinh viên.

So với năm 2015, chương trình năm nay có nhiều nét thay đổi, đã có 412 dự án của gần 1.000  tác giả ở 30 tỉnh, thành gửi về. Các nhóm ngành dự thi cũng rất đa dạng, có đủ các lĩnh vực, ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt giữa các khối trường CĐ, ĐH trên cả nước. Cùng với đó là sự tham gia của nhiều giảng viên, doanh nhân nổi tiếng trong Hội đồng Cố vấn và Thẩm định dự án nhằm chọn ra những dự án xuất sắc nhất, có tính thực tiễn cao để hỗ trợ chào đầu tư, tiến tới thành lập DN khởi nghiệp.

Cụ thể: Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp – Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 168 dự án; Cuộc thi Start-up Uni – ĐH FPT – 40 dự án; Cuộc thi UEB Genesis Start-up – ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội – 10 dự án; Cuộc thi Istartup – ĐH Kinh tế Quốc dân – 42 dự án; Cuộc thi Con đường Doanh nhân – ĐH Kinh tế Quốc Dân – 70 dự án.

Đây cũng là lý do các dự án tham gia cuộc thi Khởi nghiệp 2016 được đánh giá có chất lượng và mang ý nghĩa xã hội cao hơn, nhiều dự án tập trung vào đổi mới và ứng dụng công nghệ.

Cũng như những năm trước, các tác giả ở các trường khác nhau hay ở các khoa khác nhau đã mở rộng hợp tác liên kết cùng viết dự án nhằm phát huy thế mạnh của từng người ở những chuyên ngành đang theo học nhằm nâng cao chất lượng dự án.

Nhóm tác giả của ĐH Ngoại thương TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Ngân hàng TP HCM đã cùng kết hợp viết Dự án sản xuất và kinh doanh cá biển sạch M4S. Đây là Dự án đã đạt Giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Fire Your Light 2016 của ĐH Ngoại thương TP HCM và Giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp ĐH Kinh tế – Luật TP HCM. Hoặc Dự án Happy Me Garden của nhóm tác giả ĐH Kinh tế – Luật TP HCM, ĐH Nông Lâm TP HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.

Sáng tạo và thực tế

6 dự án xuất sắc tham gia tranh tài tại vòng chung kết gồm: Dự án  Công ty TNHH RAMA – sản xuất và kinh doanh rau mầm của nhóm sinh viên trường ĐH Thái Bình; Dự án Sản xuất và kinh doanh cá biển sạch M4S của nhóm sinh viên trường ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Ngoại thương TPHCM, ĐH Ngân hàng TP HCM; Dự án sản xuất, phân phối hệ thống vườn treo phục vụ cho nhu cầu rau sạch và cây cảnh tại nhà của nhóm sinh viên trường ĐH Nông – Lâm Huế; Dự án Tutor Link – Hệ thống tìm kiếm gia sư tại nhà trực tuyến của nhóm sinh viên trường ĐH Kinh tế – thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội; Dự án Trang trại gà gáy con của nhóm sinh viên trường ĐH  Đại Nam; Dự án  Website mạng xã hội tìm kiếm và đánh giá giáo dục REDU của nhóm sinh viên trường ĐH Kinh tế – thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Sáng tạo và thực tế là ấn tượng chung của cuộc thi khi các nhóm trình bày Dự án của mình. Mặc dù nhiều sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường nhwng đã ấp ủ những dự án thiết thực đối với vẫn đề của thực tiễn cuộc sống và rất tự tin với thành công của Dự án.

Nhóm tác giả của Dự án sản xuất, phân phối hệ thống vườn treo cho biết, tổng kinh phí mong đợi của dự án trong giai đoạn thăm dò và thâm nhập thị trường là khoảng 300 triệu đồng,  nhưng Dự án phấn đấu sẽ có lãi vào tháng thứ 5, đạt điểm hòa vốn vào tháng thứ 12, đạt lợi nhuận 60o triệu đồng trước thuế vào năm thứ nhất, doanh thu năm thứ 2 tăng 20% so với năm thứ nhất, năm thứ 3 tăng 30% so với năm thứ 2. Nhóm sinh viên này còn có tham vọng tiêu chuẩn hóa sản phẩm để xuất đi nước ngoài và trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về công nghệ trồng rau sạch.

Dự án Công ty TNHH Rama sản xuất và kinh doanh rau mầm của nhóm sinh viên trường ĐH Thái Bình xuất phát từ vấn nạn thực phẩm không an toàn và rất tự tin với thành công của Dự án. Theo dự tính, với vốn đầu tư trên 215 triệu đồng từ sự  góp vốn của các thành viên, năm thứ nhất doanh thu 770 triệu đồng và lãi gần như thu hồi được vốn, năm thứ hai doanh thi 910 triệu đồng, lãi gần 340 triệu đồng; Năm thứ ba, doanh thu lên tới hơn 1 tỷ đồng, lãi 47 6 triệu đồng.

Với số vốn ban đầu khá lớn, nhóm tác giả dự án Sản xuất và kinh doanh cá biển sạch M4S đã táo bạo xây dựng phương thức mới về cá biển: Bao gồm một chuỗi quy trình các bí quyết truyền thống lâu đời được tập hợp của hơn 100 ngư dân với kinh phí bỏ ra hơn 150 triệu đồng và thời gian hơn 6 tháng. M4S đã tạo ra được bí quyết làm ra sản phẩm cá ngủ đông, tức là con cá được bảo quản lâu hơn (khoảng 6 tháng) nhưng vẫn giữ được vị tươi như cá vừa đánh bắt, thay thế cho phương thức cũ.

Với số vốn đầu tư cho năm 2017 là 10,027 tỷ VND, M4S tự tin sẽ thực hiện kế hoạch sản phẩm, marketing, bán hàng và mở rộng mạnh mẽ nguồn đầu ra cho cá ngủ đông tươi sạch ra toàn TP HCM và các tỉnh lân cận. Tiếp tục thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, nguồn đầu vào và ra, dự án sẽ đạt hòa vốn cuối năm 2018, bắt đầu có lãi năm 2019 tỷ lệ đạt biên lợi nhuận ròng 21,085% năm vào 2020. Nhóm tác giả tự tin khẳng định, Cá Biển Sạch M4S là dự án rất đáng để đầu tư cho tỷ suất sinh lời cao và bền vững…

Với dự án Trang trại gà gáy con, giống gà đặc sản ở Hủa – phăn, Lào, nhóm sinh viên trường Đại học Đại Nam cho biết ý tưởng Dự án nảy sinh khi nóm sinh viên này được thưởng thức món gà đặc sản này ở Mộc Châu.  Theo Dự án, Trang trại sẽ đặt tại Bản Lùn, Xã Mường Sang, Huyện Mộc Châu, Tỉnh Sơn La.

Theo tính toán, với tổng vốn của dự án khoảng 400 triệu đồng, trong đó, vốn tự có là 300 triệu đồng và vốn đi vay (dự phòng) là 100 triệu đồng, ước tính doanh thu, chi phí mỗi năm sẽ tăng 10% tương ứng với số lượng gà đang nuôi tại trang trại. Từ đó, bắt đầu từ năm thứ 2 trang trại hoàn toàn đã có lợi nhuận để bù đắp vốn đầu tư ban đầu, ước tính năm thứ 2 là 50 triệu đồng, năm thứ 3 là 112 triệu đồng và sang năm thứ 5 có thể đạt 201 triệu đồng.

“Với mức thu trên, trang trại đã có thể mang lại một mức thu nhập cao với 3 sinh viên khởi nghiệp của chuyên ngành quản trị kinh doanh. Ngoài mức lương đã được tính toán, các khoản lợi nhuận chia lại sau khi đã trừ đi các loại chi phí là một động lực hấp dẫn để chúng tôi dấn thân trên con đường khởi nghiệp…”- Đại diện Nhóm sinh viên chia sẻ.

Sau khi nghe phần trình bày về dự án, rất nhiều câu hỏi từ Hội đồng thẩm định đã được đặt ra và được nhóm tác giả tự tin giải trình. Nhiều dự án đã “đánh gục” thành viên Hội đồng  thẩm định khi có thành viên là những DN khẳng định sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào dự án…

“Với mục tiêu cổ vũ cho sự lựa chọn con đường lập nghiệp của thanh niên – sinh viên, sự ra đời của Chương trình Khởi nghiệp cùng hoạt động của một số dự án của VCCI như đào tạo khởi sự kinh doanh, phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, VCCI đã thực sự làm bà đỡ cho các DN trẻ tại Việt Nam. Việc triển khai chương trình trong những năm tới vẫn hết sức quan trọng, chúng tôi tiếp tục cổ vũ và hỗ trợ lực lượng trẻ sáng tạo”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Kết quả cuộc thi chung kết sẽ được công bố tại Lễ trao giải cho các dự án tại Chương trình Festival Khởi nghiệp 2017  diễn ra ngày 6/01/2017.

PVK